3 hình thức ương dưỡng tôm giống hiệu quả
Ngày nay, hình thức ương dưỡng tôm giống trước khi nuôi đã được người dân áp dụng khá phổ biến. Trong đó, có một số hình thức mang lại hiệu quả như ương tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn, ương trong ao đất, ương trong hệ thống bể xi măng, nhà vèo…
Ương siêu thâm canh 3 giai đoạn
Đây là phương pháp được áp dụng khá phổ biến tại Ecuador và các trại nuôi tôm ở miền Nam và miền Trung của Mexico. Hệ thống 3 giai đoạn sử dụng ương raceways trước khi thả tôm giống vào ao nuôi thương phẩm, giúp tăng năng suất vụ nuôi 20 - 30% và hạ chi phí sản xuất; đồng thời, tránh những tổn thất do virus đốm trắng gây ra. Thay vì thả trực tiếp tôm giống PL10 - 12, các trại giống sẽ ương tôm tới cỡ >PL45 giúp giảm thời gian trong ao nuôi thương phẩm lên tới 20 - 30 ngày và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) 10 - 30%.
Cần cung cấp đủ ôxy cho bể ương tôm giống - Ảnh: Trần Út
Cụ thể: ương nauplius với mật độ 300 - 350 lên PL7 với cỡ 1,5 - 2 mg/con trong các bể ương có đáy hình chữ U hoặc chữ V, thời gian 12 - 14 ngày, sau đó chuyển sang giai đoạn 2. Trong giai đoạn này, thức ăn được cung cấp chủ yếu là tảo tươi và một phần Artemia. Giai đoạn này thường kéo dài 7 - 8 ngày, từ tôm cỡ PL7 với mật độ ương 80 PL/lít đến khi tôm PL14, cỡ 3 - 5 mg/con, thường ương trong các bể có đáy bằng. Giai đoạn 3, tôm giống được chuyển sang các ao lót bạt, thời gian khoảng 15 - 17 ngày, từ cỡ PL14 với mật độ ương 16 PL14/lít tới tôm đạt cỡ 200 mg/con.
Khi tôm chuyển sang giai đoạn Postlarvae, thức ăn được cung cấp chủ yếu là Artemia và thức ăn tổng hợp. Hệ thống ương siêu thâm canh 3 giai đoạn có lợi ích với toàn bộ chuỗi cung cấp. Hệ thống ao ương chịu sự kiểm soát liên tục chất lượng nước và sức khỏe tôm. Thức ăn được tối ưu hóa và sử dụng hiệu quả hơn. Giúp sản xuất ra tôm giống có sức đề kháng mạnh, thích nghi được với môi trường ao nuôi. Dẫn đến tỷ lệ sống của tôm tốt hợn ở những ngày đầu thả nuôi (đạt > 90%) và làm giảm tối đa việc bùng phát dịch bệnh.
Ương trong bể, ao vèo
Tôm thẻ giống với có cỡ PL10 - PL15 được ương dưỡng 10 - 20 ngày trước khi đưa ra ao nuôi. Đối với kỹ thuật ương trong bể hay ao vèo cần chú ý: Phải cung cấp đủ nguồn ôxy cho ao vèo, bể do tôm được ương với mật độ cao 800 - 1.000 con/m2. Ao ương được lót bạt đáy chống rò rỉ, phía trên có che kín lưới lan, chống sự xâm nhập của các loài động vật hay côn trùng, đồng thời giữ nhiệt độ trong ao ổn định. Khu nuôi cũng được bảo vệ nghiêm ngặt chống sự xâm nhập của vật nuôi hay địch hại như chuột, rắn… Đối với các ao vèo, ngoài hệ thống quạt nước cần lắp đặt thêm hệ thống ôxy đáy. Ao vèo hay bể cần có hệ thống mái che bằng lưới cản nắng mưa để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết trong thời gian ương nuôi, hạn chế được sự phát triển của tảo... Cùng đó, đáy ao nên được trải bạt hoàn toàn, để hạn chế ảnh hưởng của xì phèn, pH thấp, mầm bệnh…; hằng ngày có thể xi phông đáy bể để loại bỏ thức ăn thừa, tôm chết. Trong quá trình ương, người nuôi cần phải tính toán thời gian hợp lý, sao cho đến khi hết thời gian ương thì ao nuôi hoàn tất để có thể thả tôm xuống cho kịp thời.
Ương trong ao đất
Hình thức này chủ yếu dành cho việc ương tôm sú giống trong hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến. Tôm PL15 được ương với mật độ 150 - 200 con/m2 trong khoảng 35 - 40 ngày; Tôm giống được xét nghiệm tại các trung tâm được công nhận, chọn lô tôm giống được chứng nhận sạch các loại bệnh do virus: đốm trắng, đầu vàng, MBV… Tôm Postlarvae cần được cho ăn sau 2 - 4 giờ tính từ lúc thả vào ao; sử dụng thức ăn công nghiệp phù hợp từng giai đoạn. Thức ăn được hòa vào nước rồi tạt đều xuống ao cho tôm ăn.
Bắt đầu từ ngày thứ nhất, cho ăn 0,8 - 1 kg thức ăn/100.000 PL, chia 4 - 5 cữ/ngày, cứ 2 ngày tăng 150 g tùy tốc độ phát triển của tôm giống. Thời gian ương tôm khoảng 30 - 45 ngày tôm sú có thể đạt kích cỡ khoảng 1.000 - 3.000 con/kg thì tiến hành xuất bán hoặc chuyển sang ao nuôi thương phẩm. Việc sử dụng tôm giống kích cỡ lớn để thả nuôi thông qua hình thức ương dưỡng nhằm rút ngắn thời gian nuôi, tăng tỷ lệ sống của tôm nuôi, giảm được rủi ro về dịch bệnh trong nuôi quảng canh cải tiến hiện nay.
>> Việc ương dưỡng giúp tôm đạt tỷ lệ sống lên tới 90% và làm giảm nguy cơ tôm mắc các bệnh nguy hiểm như EMS, WSSV… Từ đó, giảm thời gian nuôi và chi phí của một vụ nuôi, nâng cao năng suất trong các hình thức nuôi tôm hiện nay. |
Lê Cung (TSVN)
Thông tin liên quan
- KỸ THUẬT PHÂN LẬP VÀ TUYỂN CHỌN CHỦNG GIỐNG VI SINH VẬT PROBIOTIC (27/04/2017)
- Kỹ thuật nuôi Ốc hương (09/03/2017)
- Kỹ thuật nuôi ốc hương kết hợp với ốc nhảy thương phẩm (11/02/2017)
- Phòng và trị một số bệnh ở cá chép (08/02/2017)
- Kết quả mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển tại các xã nông thôn mới (06/02/2017)
- Gây màu nước trong ao nuôi tôm (17/01/2017)
- Ảnh hưởng của đồng lên màu sắc của tôm (18/07/2016)
- Phòng, hạn chế bệnh cong thân đục cơ và hoại tử cơ cho tôm thẻ chân trắng (05/11/2015)
- Phòng bệnh phân trắng (22/09/2015)
- Phòng bệnh chết sớm cho tôm (14/09/2015)
Sản phẩm nổi bật
MICRO MINERAL (New 2 in 1)
Hỗn hợp khoáng tạo vỏ kitin giúp cứng vỏ nhanh. Hỗn hợp vi sinh làm sạch đáy ao, giảm hôi thối