Công dụng của muối trong nuôi thủy sản nước ngọt
Muối có thành phần đơn giản nhưng cung cấp nhiều lợi ích cho người nuôi thủy sản nước ngọt.
Dùng muối để ngăn ngừa hoặc xử lý trứng cá bị nhiễm bệnh
Việc kiểm soát trứng cá bị nhiễm nấm có thể được thực hiện hàng ngày hoặc cách ngày bằng cách tắm nước muối 20 – 30‰ từ 10 – 15 phút. Trong hệ thống tuần hoàn dùng để ấp trứng cá rô phi hoặc những loài cá nước ngọt khác, nồng độ muối được duy trì trong khoảng 3 – 5‰ sẽ làm giảm việc trứng cá và cá bột mới nở bị nhiễm nấm. Ngoài ra, khi lần đầu tiên cho cá bột ăn nauplii artemia, loại thức ăn tươi sống này sẽ tồn tại lâu hơn ở độ mặn 2 – 4‰.
Dùng muối để kiểm soát ngoại kí sinh trùng
Nguyên sinh động vật, sán lá đơn chủ, tảo đơn bào 2 roi (dinoflagellata) có thể được kiểm soát bằng cách tắm muối nhanh. Viêm nhiễm ở mang và da làm cá bị mất muối và trương nước. Do đó, tắm cá trong nước muối không chỉ làm kí sinh trùng chết do mất nước mà còn cho phép cá nhanh chóng phục hồi các ion Na+ và Cl– trong máu. Sau khi tắm nhanh cá trong nước muối nồng độ cao, nếu có thể, nên giữ cá tối thiểu thêm một ngày trong nước muối 5 – 6‰ trước khi đem đến các đơn vị sản xuất hoặc trại cá khác.
Khi quyết định dùng muối để kiểm soát những bệnh nhiễm khuẩn ở cá, người nuôi cần phải biết mỗi loài cá phản ứng như thế nào và mức độ chịu đựng của chúng. Trước tiên nên thử thời gian và liều lượng tác dụng trên một ít cá và điều chỉnh cho hợp lý, đặc biệt là ở những loài mới được xử lý. Ngoài ra, nên lên kế hoạch xử lý, có những kỹ năng và dụng cụ thích hợp để thực hiện. Có kính hiển vi và biết cách tìm kiếm kí sinh trùng trên da, mang cũng sẽ giúp đánh giá mức độ nhiễm bệnh và hiệu quả xử lý. Điều này sẽ tiết kiệm công lao động, thời gian và tiền bạc bằng cách tránh những biện pháp xử lý không hiệu quả và lãng phí hóa chất sử dụng. Đồng thời tránh đau đầu và mất ngủ hàng đêm khi suy nghĩ đến cá chết.
Có thể tắm muối cho cá ở nồng độ 20 – 30 g/l (20 – 30‰) trong vòng 10 – 30 phút (hoặc cho đến khi cá bắt đầu mất thăng bằng). Nếu cá bị nhiễm nặng, có thể xử lý lặp lại trong vòng 1 – 2 ngày. Thông thường, đối với những kí sinh trùng khó trị, nên tắm từ 3 – 4 lần mới có tác dụng.
Tắm cá bằng muối trong hệ thống nước chảy hoặc trong lồng thì tương đối dễ dàng và ít tốn kém chi phí. Trong hệ thống nước chảy (raceway), tắt không cho nước chảy và cá được dồn vào, bao lại bằng tấm bạt hoặc tấm ván cứng với thể tích nước ít hơn nhằm giảm lượng muối sử dụng. Sau đó cho muối vào đến khi đạt được nồng độ theo yêu cầu. Trong suốt quá trình xử lý cần phải sục khí. Khi xử lý xong, nồng độ muối có thể được giảm nhanh chóng bằng cách lấy tấm bạt hoặc tấm ván ra và tái khởi động hệ thống raceway. Xử lý cá trong lồng yêu cầu bao toàn bộ lồng bằng tấm bạt nhựa vinyl. Sử dụng muối cho toàn bộ ao nuôi để kiểm soát kí sinh trùng cho cá thì quá tốn kém và không khả thi về mặt kỹ thuật, bởi vì người ta phải cần một lượng lớn muối cũng như cần lượng lớn nước để nhanh chóng làm loãng nồng độ muối sau khi điều trị.
Sau đây là một trãi nghiệm khi tác giả sử dụng muối trong trại ương cá nước ngọt: “Thật là có ích khi nói đến một vụ xử lý bằng muối mà chúng tôi thực hiện để điều trị bệnh nhiễmPiscinoodinium nghiêm trọng trên cá Dourado giống (Salminus brasiliensis), một loài cá bản địa có giá trị ở Brazil. Ao có diện tích 1.000 m2, trước tiên phải thu gom chúng lại, xử lý muối rồi chuyển chúng sang ao mới. Chúng tôi quyết định xử lý cá trong 3 phút, ở nồng độ muối cao (50 g/lít hoặc 50 kg/m3). Trước đó chúng tôi tắm thử 50 con cá bị bệnh để quan sát phản ứng của cá và hiệu quả của việc xử lý muối như thế nào. Cá bắt đầu bơi lờ đờ và co giật ngay khi tắm muối và phóng thích một lượng lớn nhớt. Nước bắt đầu sủi bọt do có nhiều nhớt và sục khí mạnh. Chưa đến 1 phút, tất cả cá nằm xuống đáy bể và chúng tôi nghĩ rằng cá sẽ chết. Chúng tôi để trong vòng 3 phút theo kế hoạch ban đầu và nhanh chóng chuyển chúng trở lại nước ngọt. Thật ngạc nhiên, cá dần dần hồi phục và tất cả đều sống sót. Quan sát da và mang vài con cá trên kính hiển vi, chúng tôi nhận thấy hầu hết kí sinh trùng biến mất, có lẽ chúng đi theo cùng với nhớt của cá đã bung ra. Một vài kí sinh trùng vẫn còn ở lại trên cá, dĩ nhiên chúng đã chết. Trong trường hợp nhiễm bệnh đặc biệt và xử lý giống như vậy, dường như có một vấn đề về sức chịu đựng lâu hơn: cá hay kí sinh trùng. Kí sinh trùng là những sinh vật nhỏ bé và tiếp xúc nhiều với nước, có xu hướng mất nước nhanh hơn và chết trước cá khi tắm trong nước muối. Lần thử đầu tiên này đem đến cho chúng tôi sự tin tưởng để áp dụng cho đàn cá. Chúng tôi kéo 1/2 ao và nhanh chóng cho cá vào hai thùng chuyên chở có nước muối ở nồng độ 50 kg/m3 và giai, có máy khuyếch tán oxy lắp đặt bên trong (Hình 2). Cá phản ứng y như lần thử nghiệm trước đó. Sau 3 phút tắm, chúng tôi nhanh chóng chuyển cá sang giai được đặt trong một ao mới. Bằng cách đưa từ từ một mặt của giai xuống nước, chúng tôi có thể quan sát cá hồi phục và bơi tự do ra ao. Rất ít cá chết còn sót lại trong giai. Tiếp đến, chúng tôi kéo toàn bộ ao và xử lý đợt 2. Thật may mắn, gần như tất cả cá xử lý còn sống và bệnh Piscinoodinium được khống chế hiệu quả bằng cách tắm muối duy nhất một lần ở nồng độ cao”.
Hình 2: Cá có thể được xử lý bên trong bể chuyên chở trước khi chuyển sang ao mới hoặc đến trại khác. Trong suốt quá trình xử lý cần sục khí. Đặt một giai có lưới mềm bên trong bể sẽ cho phép lấy cá ra nhanh chóng sau khi tắm xong.
Dùng muối để ngăn ngừa độc tố nitrite
Nitrite (NO2–) gây độc cho cá. Ammonia sinh ra từ cá và sự phân hủy vật chất hữu cơ, thông qua quá trình nitrite hóa bởi vi sinh vật để sinh ra nitrite. Nồng độ nitrite trên 0,3 mg/l được yêu cầu chú ý, bởi vì hiệu suất và khả năng miễn dịch cá bắt đầu suy giảm. Nồng độ nitrite gây độcthường trên 0,7 mg/l, phụ thuộc vào loài và tính chất hóa học của nước, thường xảy ra ở những ao nước tĩnh, cho ăn nhiều. Làm tăng nồng độ clo trong nước bằng cách dùng muối là một cách hiệu quả để ngăn ngừa độc tố nitrite. Muối thường có 60% clo, clo liên kết với những tế bào hấp thu nitrite trên mang cá làm cản trở quá trình hấp thu ion nitrite của cá. Người nuôi cần duy trì tỷ lệ chloride:nitrite tối thiểu là 6:1. Boyd (1998) đã đưa ra một công thức đơn giản để xác định lượng muối (g/m3) được đưa vào ao căn cứ theo hàm lượng nitrite mong muốn và hàm lượng chloride thực tế trong ao:
Liều dùng (g muối/m3) = (6A – B)/0,6
A: Hàm lượng NO2– trong nước cần đạt được (mg/l)
B: Hàm lượng Cl– thực tế trong ao (mg/l)
Ví dụ: Trong ao hàm lượng nitrite cần đạt tối đa (A) là 1 mg/l, nồng độ Cl– (B) coi như bằng 0. Liều lượng muối tối thiểu cần dùng là [(6 x 1) – (0)]/0,6 = 10 g muối/m3. Do đó, với ao 10.000 m2, độ sâu trung bình 1,5 m, thì thể tích là 10.000 m2 x 1,5 m = 15.000 m3, lượng muối tối thiểu phải sử dụng là 150 kg. Có thể thấy, lượng muối cần dùng để ngăn ngừa độc tố nitrite trong ao là tương đối ít. Tuy nhiên, nếu nước đã có hàm lượng Cl– cao thì có thể không cần thiết phải sử dụng muối, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho người nuôi. Với lý do đó, người nuôi nên có trên tay một bộ test chất lượng nước để xác định hàm lượng Cl– trong nước.
Trong hệ thống biofloc hoặc thâm canh tuần hoàn, hàm lượng nitrite có thể thường cao hơn 20 mg/l. Nồng độ muối ở 3‰ sẽ giảm thiểu nguy cơ nhiễm nấm và ngoại kí sinh trùng, đồng thời quá đủ để ngăn ngừa độc tố nitrite.
Dùng muối để ngăn ngừa những bệnh về mang do môi trường
Bệnh về mang do môi trường là tình trạng tổn thương, viêm, sưng tế bào biểu mô của mang. Những chất hóa học (formalin, thuốc tím, CaO, …), chất rắn lơ lửng quá nhiều (các hạt sét, phân cá, hạt biofloc, thức ăn thừa, phiêu sinh vật, …) hoặc sự kết hợp các yếu tố trên có thể gây ra các bệnh về mang.
Kí sinh trùng (sán lá đơn chủ, thích bào tử trùng, trùng bánh xe, dinoflagellate, …) và các bệnh nhiễm khuẩn cũng có thể gây ra những bệnh về mang. Thích bào tử trùng có thể gây hoại tử nghiêm trọng, kích thích và làm chảy máu ở mang (bệnh tăng sinh mang hay “hamburger gill”).
Những bệnh về mang làm cá khó thở, khó khăn trong điều hòa áp suất thẩm thấu và bài tiết ammonia. Nuôi cá bột và cá giống trong những hệ thống có mật độ cao có thể làm cá đối mặt với các yếu tố trên, dễ xảy ra các bệnh về mang do vi khuẩn và môi trường. Do đó, tắm ở nồng độ muối 8 – 10‰ từ 2 – 4 giờ, đặc biệt là sau khi chà bể, sẽ làm tăng sản sinh nhớt cá, loại bỏ những mảnh vụn hữu cơ, kí sinh trùng hoặc vi khuẩn ra khỏi mang, giúp giảm kích ứng mang, ngăn ngừa các nhiễm trùng trong tương lai. Ngoài ra, tắm muối theo cách trên còn giúp cải thiện tình trạng tổng thể, cải thiện sức khỏe và tỷ lệ sống của cá trong những hệ thống thâm canh này.
Dùng muối để cải thiện tỷ lệ sống trong nuôi cá lồng
Hiện tượng cá chết rãi rác hay đột ngột rất thường thấy ở nuôi cá nước ngọt lồng bè. Tỷ lệ cá chết đạt cao nhất thường vào tuần đầu tiên sau khi thả cá vào lồng, cũng có thể ở giai đoạn lớn hơn sau khi phân cỡ và chuyển cá sang lồng khác. Nhốt cá trong lưới, bị stress trong quá trình thao tác làm chúng mất một lượng lớn muối và làm giảm đáp ứng miễn dịch. Thao tác quá mạnh làm cho cá bị mất nhớt, mất vảy và làm tổn thương da của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho lây nhiễm nấm và các vi khuẩn cơ hội.
Người nuôi cá cần đầu tư thời gian và tiền bạc để huấn luyện công nhân và có các dụng cụ thích hợp để cải thiện quá trình xử lý cá và tỷ lệ sống. Tỉ lệ chết của cá có thể được được giảm thiểu đáng kể bằng việc phòng ngừa và sử dụng muối hợp lý. Khi về đến trại, cá giống có thể được xử lý kí sinh trùng và giữ ở nồng độ muối từ 5 – 6‰ để chúng phục hồi sau khi bị stress do vận chuyển (Hình 3, Phần 1). Phân loại cá giống và thả lại vào các bể khác được thực hiện trong nước muối 5 – 6‰ (Hình 3). Nếu không thể, cá có thể được chuyển sang lồng được bao kín bằng bạt nilon, nồng độ muối 5 – 6‰ (Hình 4, Phần 1) trong khoảng thời gian 10 – 12 giờ, có sục khí bên trong lồng. Giữ cá trong nước muối làm cho cá nhanh chóng phục hồi muối trong máu và cũng sản sinh thêm nhớt để chữa lành các tổn thương ở da, ngăn cản bị nhiễm trùng cơ hội do nấm hoặc vi khuẩn.
Hình 3: Cá rô phi được phân theo kích thước trong nước muối 5 – 6‰
Cho ăn thức ăn viên có bổ sung muối (15g muối/kg thức ăn) trong 2 – 3 ngày sau khi xử lý, vận chuyển là một khác có hiệu quả khác để cá nhanh chóng phục hồi lượng muối trong máu. Thói quen này đã được thực hiện ở một vài trang trại nuôi cá rô phi lồng ở Brazil, vì nó làm giảm tỉ lệ chết sau khi xử lý.
Ở những trang trại có quy mô lớn, thức ăn viên được làm giàu muối có thể được sản xuất theo đơn đặt hàng. Còn ở những trang trại nhỏ, muối có thể được đưa vào thức ăn bằng cách sử dụng máy trộn xi-măng (Hình 4). Muối được hòa tan trong nước và phun đều lên viên thức ăn bằng bình xịt tưới cây, 150g muối/1 – 1,5 lít nước cho 10 kg thức ăn viên dạng nổi.
Hình 4: Máy trộn xi-măng được dùng để thêm muối vào viên thức ăn cho cá.
Mẫu thức ăn của cá rô phi vừa được bổ sung muối vào. Cá nên được cho ăn thức ăn được làm giàu muối ngay sau khi xử lý, cho phép nhanh chóng phục hồi muối trong máu.
Cân bằng muối hợp lý trong thức ăn có thể cải thiện tình trạng và tăng trưởng của cá
Thông thường, cá nước ngọt sử dụng 10 – 15% năng lượng từ thức ăn cho việc điều hòa áp suất thẩm thấu. Cá trong lồng có thể tốn năng lượng nhiều hơn, do mật độ nuôi cao và cạnh tranh mạnh mẽ để lấy thức ăn làm gia tăng sự mất muối của cá. Muối bị mất đi có thể được bù lại nếu thức ăn có số lượng và thành phần muối thích hợp, đặc biệt là các ion hóa trị 1 Na+, Cl+and K+.
Thức ăn cân bằng muối giúp cá tiết kiệm năng lượng cho việc điều hòa áp suất thẩm thấu và dùng phần năng lượng này cho mục đích tăng trưởng, và có lẽ cũng cho những nhu cầu sinh lý khác, ví dụ như miễn dịch. Nghiên cứu trên cá rô phi lai (O. niloticus x O. aureus) trong nước ngọt đã chứng minh rằng tỷ lệ tăng trưởng có thể được cải thiện 17 – 20% và hiệu quả sử dụng thức ăn tăng 14 – 23% khi thêm Na+, Cl-, K+ vào thức ăn (Shiau and Hsieh 2001; Shiau and Lu 2004; Cnaani et al 2010). Một số nhà máy ở Brazil đang cải thiện sự cân bằng muối trong thức ăn cho cá rô phi nuôi lồng bè.
Lưu ý
Muối là một sản phẩm an toàn, hiệu quả và có thể chấp nhận được để phòng ngừa những tổn thất trong nuôi thủy sản nước ngọt. Khi sử dụng muối trong các trang trại này, các thiết bị bằng kim loại và cơ sở hạ tầng khác có thể phải được bảo vệ và bảo trì đặc biệt. Như chúng ta đã biết, có nhiều cách mà muối thường được sử dụng có hiệu quả trong các trang trại nuôi thủy sản nước ngọt. Cũng như bất kỳ loại hóa chất nào khi cho vào nước, thời gian và liều dùng là các vấn đề chính khi xử lý cá bằng muối. Người nuôi cá nên tìm hiểu nhiều hơn về lợi ích của muối và cách sử dụng muối hợp lý.
Trích nguồn Thủy Sản Tép Bạc
Thông tin liên quan
- 5WAY AQUA PHARMA TUYỂN GẤP TÀI XẾ LÁI XE (30/03/2017)
- Công Ty 5Way Aquapharma Cần Tuyển Nhân Viên Kinh Doanh Tại Bến Tre (29/03/2019)
- Công Ty TNHH Thuốc Thủy Sản Năm Con Đường Ra Mắt Sản Phẩm Mới (14/03/2019)
- Công ty TNHH THUỐC THÚ Y THUỶ SẢN 5WAY AQUA PHARMA Cần tuyển dụng GẤP vị trí: Giám đốc điều hành (07/03/2019)
- Công ty TNHH thuốc thủy sản Năm con đường - 5way Aqua Pharma tuyển GẤP vị trí : 01 Trưởng phòng kinh doanh khu vực Miền Trung (02/03/2019)
- 5way Aqua Pharma tuyển GẤP : 01 nhân viên RD (28/11/2017)
- 5way Aqua Pharma: TUYỂN GẤP 01 NAM CÔNG NHÂN SẢN XUẤT (20/01/2018)
- Tuyển Gấp Nhân Viên Phòng Lab Làm Việc Tại Sóc Trăng (12/09/2018)
- Tuyển Nhân Viên Kinh Doanh Khu Vực Miền Trung (14/08/2018)
- 5way Aqua Pharma: TUYỂN GẤP 01 nhân viên NAM phòng Lab tại huyện Thuận Bình, tỉnh Long An (25/10/2017)
Sản phẩm nổi bật
MICRO MINERAL (New 2 in 1)
Hỗn hợp khoáng tạo vỏ kitin giúp cứng vỏ nhanh. Hỗn hợp vi sinh làm sạch đáy ao, giảm hôi thối